Theo hãng tin Interfax, trong suốt cuộc đàm phán giữa Tổng Giám đốc Ukroboronprom Serhiy Hromov và Tư lệnh Không quân Việt Nam, Trung tướng Phương Minh Hòa trước khi ký kết hợp đồng, sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay Su-27 của Việt Nam cũng như Ukraine sẽ cung cấp thiết bị kỹ thuật cần thiết cho các đồng nghiệp Việt Nam sửa chữa động cơ AL-31F, hai bên tiếp tục tái khẳng định sự quan tâm lẫn nhau trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự. Theo tuyên bố của ông Hromov nói rằng, ngoài hợp đồng sửa chữa động cơ máy bay Su-27 vừa được ký kết, trong tương lai gần, phía Ukraine sẽ tiếp tục gửi tới đối tác Việt Nam về những đề xuất cung cấp và hiện đại hóa các thiết bị phòng không, máy bay và xe bọc thép, cũng như sửa chữa và nâng cấp thiết bị hải quân cho phía Việt Nam. Trong đó, việc huấn luyện cho các chuyên gia Việt Nam cũng là một nội dung quan trọng trong việc hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa 2 nước. "Những nội dung trên sẽ nằm trong kế hoạch ký kết các hợp đồng tiếp theo về việc cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam", ông Hromov khẳng định. "Việt Nam là một quốc gia đầy triển vọng cho các trang thiết bị quân sự của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường vị thế của mình trên thị trường đầy tiềm năng này", ông Hromov nói. Về phía Việt Nam, Tư lệnh Không quân, Trung tướng Phương Minh Hòa đã đánh giá cao về các thỏa thuận đã được ký kết cũng như triển vọng hợp tác phát triển kỹ thuật - quân sự giữa hai nước. "Thỏa thuận này mở ra triển vọng cho những hợp đồng mới về tài liệu sửa chữa và cơ sở vật chất để sửa chữa động cơ máy bay. Ukraina là một đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi đã sẵn sàng để mở rộng hợp tác trong việc mua sắm vũ khí mới, cũng như mong muốn được đối tác tham gia hiện đại hóa và kéo dài tuổi thọ các thiết bị quân sự của Quân đội Việt Nam", Trung tướng Phương Minh Hòa nói. Trong lần họp thứ 7 giữa Ủy ban hợp tác kỹ thuật - quân sự liên chính phủ Việt Nam - Ukraine vào tháng 11/2010, hai nước cũng đã thông qua một kế hoạch và một chương trình về hợp tác kỹ thuật - quân sự trong giai đoạn 2011 - 2015. Như vậy, Ukraine đang rất muốn được tham gia cung cấp các thiết bị quân sự hiện đại, cũng như bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa hầu hết các thiết bị quân sự có nguồn gốc Liên Xô đang được phục vụ trong quân đội ta. Các thỏa thuận hợp tác sắp tới, nếu như thành công, sẽ mở ra nhiều triển vọng phát triển cho quân đội khi mà hầu hết các loại vũ khí trang bị đang phục vụ do Liên Xô (Nga) sản xuất đều đã lỗi thời. Ukraine cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn trong việc "thay" Nga cung cấp trang bị quân sự và hiện đại hóa những hệ thống vũ khí và do đó, tạo ra một thị trường cạnh tranh cao hơn để Việt Nam có thể có được những thiết bị quân sự tốt hơn với giá thành hợp lý. |